MÙA HOA TẾT - "ĐỎNG ĐẢNH NHỮNG SẮC XUÂN"
Thứ Ba, 28/1/2025, 20:34 (GMT+7)
Ký ức hoa Tết lại có dịp bùng dậy trong tôi vào những ngày này. Và, một miền nhớ lại tràn về…
Cũng như bao miền quê Miền Tây khác, quê tôi, khi tiết trời bắt đầu rục rịch giao mùa, bà con lại chuẩn bị xuống giống trồng, tỉa cành cho hoa Tết, tùy theo thời điểm nở rộ của từng giống hoa. Thế là chả có gia đình nào là không trồng hoa Tết, từ ít đến nhiều. Việc trồng hoa Tết ở quê tôi chủ yếu là để đón xuân, chỉ có dăm ba gia đình là chuyên nghề trồng hoa bán Tết. Mà trước hết là để cắt cành cắm bình dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà trong ba ngày Tết. Không gì thiêng liêng và đáng quý hơn khi đặt bên cạnh bánh mứt, mâm ngũ quả trong nghi ngút làn khói hương mềm mại như sợi tơ vòng veo bay lên là bình hoa đượm sắc do chính tay mình chăm bón để dâng lên tổ tiên.
Hoa Tết trồng phổ biến ở quê tôi là vạn thọ, loại hoa truyền thống, đi liền với ký ức của biết bao thế hệ. Sắc hương của hoa gần gũi thấm đậm nét xuân quê ấm áp, yên bình muôn thuở. Riêng cái tên thôi cũng đã gợi lên sự vĩnh cửu bất tận của thời gian. Chẳng hiểu sao trong muôn ngàn hương hoa sắc thắm đua nhau nở rộ, dù vạn thọ bây giờ cũng đổi khác, có nhiều loại hơn nhưng vẫn duy nhất một cảm xúc khi nhìn những bông hoa vạn thọ, lòng tôi lại ấm lên như bắt nhịp với nỗi vấn vương hoài niệm Tết quê thật nồng nàn. Bởi tình quê như đã đậm đặc trong tâm hồn, máu thịt tôi vậy. Sắc hoa vạn thọ rực rỡ dưới nắng xuân xưa giờ lại hiện hữu, như dày thêm trong ngắn kéo ký ức của riêng tôi.
Lại nói về dăm ba hộ trồng hoa Tết, cũng lắm mặn mòi, khổ nhọc không kém gì trồng rau đậu hay lúa. Cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng xem ra còn nặng lòng hơn. Thâu đêm suốt sáng quẩn quanh, gần gũi với hoa, tưởng chừng họ như nghe được những nhịp chuyển nhựa qua từng mạch cây, phiến lá để cây chờ ngày ra hoa vậy. Ấy vậy mà hoa còn “đỏng đảnh” với người chăm nó, thiếu tí nước đã héo lá, thừa nước một tí lại úng lá thối cành. Quá nắng một chút hoa sẽ ít đậm sắc, quá mưa một chút lại dập cành, tàn nhụy.
Bởi trồng hoa Tết lắm nỗi nhọc nhằn là vậy, người trồng có kinh nghiệm phải tính đến thời điểm ra hoa đúng dịp Tết theo từng giờ, chứ không còn tính theo từng ngày tháng như ngày trước. Vì nỗi thất thường của thời tiết. Năm nào đúng dịp, được giá coi như năm đó có tiền ăn Tết. Còn năm nào thất, thì chỉ mong sao kiếm lại chút vốn dành cho giống cho phân, còn công sức thì ngửa mặt nhìn trời!
Càng lớn, tôi càng biết cảm nhận mọi thứ xung quanh mình, đặc biệt là nét đẹp dung dị, ấm áp mà kiêu sa của từng loài hoa và biết thương hơn với nỗi nhọc nhằn của người trồng hoa. Hàng năm, cứ độ sau ngày 23 tháng Chạp, tôi thường dạo quanh chợ hoa Tết được bày bán ở những vỉa hè khắp thành phố, thích nhất được xem chợ hoa khi hoàng hôn xuống, đi đêm đang về. Muôn ngàn hương sắc hoa bồng bềnh cùng không khí se se lạnh của sương xuân, những ngọn đèn mờ ảo cùng những bước chân dập dìu của người thưởng hoa. Ở đó, còn có lời chào nhẹ nhàng, lịch thiệp, nhỏ nhẹ của kẻ bán người mua. Tôi đắm say, ngây ngất trước muôn sắc hoa ấy.
Trên đường về, dưới những ngọn đèn đường hắt bóng trong sương, qua những còn phố vắng cùng hơi đêm se lạnh, thi thoảng tôi bắt gặp những khuôn mặt đang ăn vội hộp cơm nhưng vẫn nhíu theo từng dòng người đi qua hay nằm co ro trên chiếc võng được mắc đâu đó tạm bợ mong cho qua đêm, ngày mai trời lại sáng. Tôi thầm nhủ: “Phía sau nét kiêu sa của hoa là cả một nỗi nhọc nhằn”.
Tiêu Minh Sơn (Giảng viên Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên)
Chia sẻ ngay